Kiểu gắn bó né tránh, Thổ tinh-Mặt trăng và sự mất cân bằng trục 4-10

Bài viết này đề cập học thuyết gắn bó (attachment theory) và kiểu gắn bó tránh né (avoidant attachment style), đồng thời lý giải kiểu gắn bó này thông qua cấu trúc địa bàn của AC Thiên bình, nơi có sự tương tác tự nhiên giữa Mặt trăng và Thổ tinh. Có thể nói, kiểu gắn bó tránh né là một "đặc sản" của xã hội hiện đại. Bạn rất có thể là một thành viên của kiểu gắn bó này nếu lá số cá nhân thể hiện sự mất cân bằng lớn giữa h10 và h4. 

Dẫn nhập

Kiểu gắn bó né tránh là cơ chế mà nhiều cá thể loài người hình thành để tự bảo vệ mình trước những thay đổi của tương tác gia đình trong bối cảnh xã hội trở nên hiện đại hơn. Theo ngôn ngữ chiêm tinh, điều này thể hiện qua việc Thổ tinh (hành tinh đại diện cho quy tắc xã hội) và Mặt trăng (tình thân, liên kết cảm xúc giữa người với người) bị buộc phải làm việc với nhau. Tuy nhiên trong quá trình thích nghi, con người lại có xu hướng chạy theo tiến bộ xã hội mà làm lơ cơ chế gắn bó vốn được thiết kế nhằm hỗ trợ khả năng sinh tồn của lớp thú nói chung. Gia đình thực chất là sự mở rộng của hệ thống gắn bó. 

Kiểu gắn bó né tránh được định vị là kiểu gắn bó không lành mạnh, khiến cá nhân khó có thể thực sự tận hưởng cuộc sống. Để hiểu hơn về kiểu gắn bó này, các bạn có thể tìm đọc cuốn Rối loạn nhân cách tránh né.

Gắn bó - nhu cầu cơ bản của con người

Về mặt sinh học, con người thuộc lớp thú (mammal, động vật hữu nhũ) nên cũng kế thừa những đặc điểm chung của loài, nhưng cơ chế xã hội của con người phức tạp hơn nhiều và cũng đặt con người vào một bối cảnh sống khác với tự nhiên. Mammal được nuôi lớn bằng sữa mẹ và có sự thân thuộc, gần gũi với con mẹ ngay từ khi còn nhỏ - ví dụ chuột túi, con con được attach trong cơ thể của con mẹ. Quá trình lớn lên của con con được con mẹ dõi theo một cách sát sao. Các cá thể bố mẹ sẽ dạy con con các kỹ năng sinh tồn cơ bản như cách tìm kiếm thức ăn, cách săn mồi và bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm. Những hoạt động như vậy giúp tăng cường mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, đồng thời giúp con con được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trưởng thành. Với những loài mammal sống theo bầy đàn thì cả đàn cũng có trách nhiệm trông chừng các cá thể con non trong loài, sẽ có một con đầu đàn dẫn dắt sinh hoạt chung của cả bầy. Tức là đối với động vật có vú nói chung, việc gắn kết với những cá thể khác (đặc biệt là cá thể mẹ) đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển.

Đối với con người, trong xã hội hiện đại, nhu cầu gắn bó của cá nhân có thể bị tước đoạt ngay từ khi còn nhỏ. Thông thường, con cái bị tách khỏi mẹ mình từ rất sớm vì người mẹ sau một thời gian nghỉ thai sản sẽ quay lại đi làm, lúc này người con được chuyển giao sang một đối tượng khác để chăm sóc - có thể là người thân trong nhà hoặc cô giáo ở nhà trẻ. Việc chia ly với mẹ mình sẽ là một trải nghiệm rất khủng khiếp với đứa trẻ, trẻ chưa sẵn sàng cho việc đó. Đây là những sự kiện ban đầu khiến tâm lý của trẻ bị rạn nứt, tổn thương. 

Mặt khác, xã hội con người càng phát triển thì các cơ chế tự nhiên vốn thiết yếu cho việc sinh tồn của các cá thể bên trong lại càng dễ trở nên suy yếu, đứt gãy, lỏng lẻo. Các cá nhân khi lớn lên thường được yêu cầu thể hiện sự mạnh mẽ, độc lập, quyết đoán trong khi chưa có những nền tảng cần thiết cho việc đó - aka môi trường, xã hội chưa chu cấp một cách chu toàn cho cá nhân nhưng lại luôn muốn tước đi một thứ gì đó từ họ. Cả cha mẹ lẫn thầy cô đều khước từ trách nhiệm trong việc uốn nắn và dạy dỗ trẻ (trong khi cần có sự kết hợp của cả hai), ở những cấp độ giáo dục cao hơn thì thiếu sự dẫn dắt từ nhà trường, giáo viên, trong những môi trường đòi hỏi tính chuyên nghiệp thì cá nhân lại càng ít có cơ hội nhận được những định hướng và dẫn dắt phù hợp cho nhu cầu phát triển của bản thân. Cá nhân thường sẽ có cảm giác mơ hồ rằng thế giới bên ngoài đang thiếu nợ một thứ gì đó của họ, khiến cho họ thấy thiếu thốn, trống vắng (thậm chí trống rỗng) bên trong, cũng có thể họ sẽ tìm cách lấy đi thứ gì đó của người khác để bù đắp cho chính mình. Đây là tình trạng chung của con người trong xã hội hiện đại, một bản án dường như đã được định sẵn - để nhường đường cho sự phát triển của nhân loại.

Sự chiếm ưu thế của mammal trên vòng hoàng đạo

Trên vòng hoàng đạo thì chủ yếu các cung đều là mammal (kể cả hai sinh vật huyền bí là nhân mã và ma kết, ma kết có phần thân dưới là dê), chỉ trừ thiên bình và bộ ba cung nước. Mình cho rằng sự sắp đặt này mang ý nghĩa nào đó, chẳng hạn bộ nhiệm vụ của 4 cung này bao gồm thoát khỏi bản án chung của con người, đồng thời hỗ trợ người khác thoát khỏi nó. Ở họ đều có một sự chuyển đổi về cá tính, lối sống. Đối với thiên bình, đó là khoảnh khắc mà mọi thứ đảo chiều. Ở ba cung nước còn lại thì hình tượng của họ gắn với khả năng lột xác, chuyển hóa (vốn được hiểu là từ khóa của Bọ cạp, cung ổn định trong bộ ba). Cự giải là cua lột vỏ, còn song ngư là cá chép hóa rồng.

Mọi năng lượng đều có thể được hiểu rõ hơn thông qua cấu trúc cung mọc. Trong cấu trúc cung mọc của ba cung nước, các địa bàn liên quan thế giới tâm lý, nội tâm và xúc cảm của họ - bộ nhà 4-8-12 - có nóc thuộc các cung khí, gợi ý đây là các cung có thể lồng ghép kiến giải logic vào thế giới thẳm sâu của cảm xúc và vô thức, từ đó giúp bản thân cũng như mọi người nhận diện và thấu hiểu tâm trạng, cảm xúc tốt hơn.

Riêng với trường hợp của Thiên bình, being a cardinal air sign gợi ý họ có thể vận dụng logic để xem xét, phân tích và lý giải mọi thứ. Thế nhưng trên thực tế, cấu trúc h4 và h10 của họ gợi ý sự tránh né trong phong cách gắn bó (attachment style). Thiên bình có h4 ở Ma kết và Cự giải h10, đây là các đồng dạng của góc chiếu Thổ tinh-Mặt trăng. Đồng thời, việc họ là một cung cardinal còn ám chỉ vấn đề mà Thiên bình gặp cũng có thể là điều mà nhiều người phải trải qua và chịu đựng. 

Khi Thổ tinh tạo tương tác với Mặt trăng, ảnh hưởng thường gặp là khả năng bộc lộ tâm tư, tình cảm của cá nhân bị bó hẹp. Trong trường hợp của AC Thiên bình, combo h4 Ma kết và h10 Cự giải khiến cấu trúc này được nhấn gấp đôi. Phân tích cấu trúc địa bàn của họ có thể giúp chúng ta hiểu hơn về kiểu gắn bó tránh né. 

Lưu ý: Sự mất cân bằng trục 4-10 nhìn chung đều gợi ý xu hướng hạn chế trong bộc lộ, nhận diện và thấu hiểu cảm xúc. Vẫn có các dấu hiệu khác trên lá số thể hiện điều này ví dụ La hầu - Kế đô ở trục 4-10 hoặc Ma kết - Cự giải, trục 4-10 có sự xuất hiện của các yếu tố gây mờ, gây nhiễu như Pluto, Neptune, Lilith và các centaurs.  

Cuốn sách Rối loạn nhân cách tránh né được viết bởi một tác giả người Nhật Bản aka đất nước có kế đô h10, họ đã nói về kiểu gắn bó tránh né thì không thể chuẩn hơn (...). Theo đó, kiểu gắn bó phần lớn được định hình nhờ những trải nghiệm trong quá trình nuôi dưỡng; và đặc trưng lớn nhất của người thuộc kiểu gắn bó né tránh là họ không cố gắng vun đắp quan hệ với người khác - họ trốn tránh những mối quan hệ thân mật dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và những trách nhiệm lâu dài kèm theo, đồng thời có xu hướng kìm nén cảm xúc và tình cảm. 

Khi con người chọn buông bỏ cơ chế sinh tồn

Bất cứ khi nào ảnh hưởng từ Thổ tinh hiện diện, chúng ta có lẽ sẽ nên nhắc lại lựa chọn mà con người đã thực hiện trong quá trình phát triển của mình, lựa chọn được chép lại trong Sáng thế ký của Kinh thánh (đọc lại bài về transit của 2024). Thổ tinh, với tư cách là một chủ tinh của Bảo bình, có sự liên quan mật thiết với nền văn minh và cách mạng công nghiệp (Industrial Revolution). Cách mạng công nghiệp bắt đầu ở thế kỷ 18; vào thời kỳ này, người ta rời bỏ quê hương, gia đình của mình để ra thành phố, tới các nhà máy và hòa mình vào việc xây dựng, thúc đẩy nền kinh tế dựa trên sản xuất (manufacturing economy), gần gũi hơn với lối sống công nghiệp hóa. Thế nhưng, về mặt sinh học thì chúng ta vẫn là một mammal. Gia đình thật ra chính là cơ chế mở rộng của hệ thống gắn bó, vốn có tác dụng hỗ trợ sự sinh tồn của loài.

Xem thêm: video về sự cô đơn - đề cập mối liên quan giữa cảm giác cô độc và xã hội hiện đại (the loneliness epidemic we see today really only started in the late Renaissance + this trend accelerated during the Industrial Revolution)

Vấn đề tình thân phải nhường đường cho tiến bộ xã hội đã diễn ra suốt nhiều đời, nhiều thế hệ. Càng là xã hội hiện đại (kèm theo đó là sự đi lên của chủ nghĩa cá nhân), lại càng có nhiều người thuộc kiểu né tránh. Kiểu người né tránh gần như không tồn tại trong các xã hội tiền hiện đại - theo sách Rối loạn nhân cách tránh né. Sự đứt gãy, sụp đổ trong gắn bó còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như: tỉ lệ kết hôn-sinh con suy giảm, dân số sụt giảm, sự thờ ơ, đùn đẩy, thậm chí ngược đãi trong chăm sóc người già-trẻ em, cảm giác trống rỗng, chênh vênh trong cuộc sống do không thể tìm thấy bất cứ điểm neo đậu nào, các rối loạn, bệnh lý về tinh thần (và cả thể chất). 

Nếu sự gắn bó không được hình thành trong giai đoạn hai năm đầu đời, con trẻ không thể có sự gắn bó ổn định với người chăm sóc, và khi lớn lên khả năng phát triển sự gắn bó ổn định với bất kỳ ai khác cũng sẽ bị tổn hại. Người chăm sóc phải là cố định, luôn tình nguyện ở bên chăm lo cho trẻ thì sự gắn bó thực sự mới có thể hình thành. 

Khi ngôn ngữ chưa có nhiều phát triển, trẻ nhỏ tương tác với cha mẹ thông qua những đòi hỏi nhằm đáp ứng nhu cầu như quấy, khóc. Việc cha mẹ lập tức nắm bắt và phản hồi những nhu cầu này rất quan trọng. Đối với các nhu cầu cảm xúc sau này cũng vậy. Khi nhu cầu thể hiện cảm xúc của trẻ không được đáp ứng phù hợp - nhiều khi chỉ đơn giản vì cha mẹ không ở đó, hoặc bị gạt đi ngay từ những biểu hiện sơ khai do cha mẹ dạy con theo kiểu áp đặt, độc tài (thậm chí ngược đãi), thì các hành vi bày tỏ tâm tư, tình cảm nơi trẻ sẽ dần bị loại bỏ, và dần hình thành phong cách gắn bó né tránh (trẻ còn có nguy cơ căng thẳng trong thời gian dài, bị rối loạn lo âu và những hậu quả tâm lý khác). Dù có tự ý thức hay không, trẻ lựa chọn ngừng trông đợi, ngừng chia sẻ để tránh cho bản thân bị tổn thương. Khi được nuôi dạy bởi cha mẹ mang kiểu gắn bó né tránh, con cái lại càng dễ phát triển kiểu gắn bó này. Mặt khác, kiểu gắn bó này có thể được ngăn chặn bằng cách gia tăng phản ứng, hồi đáp về cảm xúc với con trẻ, đặc biệt ở những năm đầu đời. Càng gắn kết ổn định với mẹ, trẻ lại càng chủ động khám phá thế giới bên ngoài cũng như nỗ lực tương tác với người khác.

Ngoài các nguyên nhân thiếu sự quan tâm, khuyết thiếu phản ứng đồng cảm, kiểu gắn bó né tránh cũng có thể hình thành do xu hướng bảo bọc, kiểm soát quá mức từ cha mẹ. 

Cấu trúc của AC Thiên bình 

Cấu trúc của Thiên bình: Ma kết h4 và Cự giải h10, quen thuộc hơn với professional lifestyle - lối sống chuyên nghiệp của thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cảm thấy xa lạ và thậm chí sợ hãi sự gắn bó, sẻ chia về mặt tình cảm. Combo này cũng gợi ý sự hạn chế trong tương tác với người thân, cha mẹ hoặc quá nghiêm khắc hoặc có cách bộc lộ tình cảm khiến con cái phải e sợ và né tránh - có thể do cha mẹ cũng phát triển một kiểu gắn bó không lành mạnh trong quá trình lớn lên. 

Thiên bình là một cung tương đối "hiện đại". Tên gọi Thiên bình của cung hoàng đạo bắt nguồn từ chòm sao, nhưng ở một thời rất xưa, người ta chưa đặt tên cho chòm Thiên bình, mà cho đó là một phần của chòm Bọ cạp. Có lẽ vì vậy mà cấu trúc Thiên bình giúp phản ánh hình ảnh con người trong xã hội hiện đại, những vấn đề mà họ gặp phải trong quá trình thích nghi, cũng như những điều mà họ nên làm để cứu lấy mình. Trong cấu trúc của mình, Thiên bình không chỉ có đồng dạng của liên kết Thổ tinh-Mặt trăng mà họ còn có thêm đồng dạng kép của Thổ tinh-Mặt trời (h5 Bảo bình và h11 Sư tử). Sức ép từ Thổ tinh khiến họ trải nghiệm sự đứt gãy trong tương tác gia đình cũng như nguy cơ mất kết nối với đứa trẻ bên trong. Mà sự gắn kết của họ với ngọn lửa bên trong mình vốn cũng không quá mạnh, bởi đây là cung mà Mặt trời (khả năng thấu hiểu bản thân và vạch đường hướng cho mình) fall.  

Nếu đọc lại bài về AC Thiên bình, bạn sẽ thấy rằng khả năng cao là họ được nuôi dưỡng trong một gia đình có bố mẹ bận rộn, đầu tắt mặt tối với công việc, khi lớn lên họ cũng có nguy cơ trở thành người bận rộn, không có thời gian cho các sở thích cá nhân, yêu đương, chưa nói đến thời gian kết hôn hay dành cho con cái sau này. Đồng thời, họ có xu hướng nghiện công việc - vì công việc dường như là điều duy nhất khiến họ cảm thấy tự tin và chứng tỏ được bản thân. Nhưng thực chất thì họ cũng không đủ hiểu bản thân để có thể chứng tỏ bất cứ điều gì. Một mặt, thiếu hụt sự gắn kết tình thân khiến họ tự nhiên hình thành thái độ xa cách, rụt rè, họ không dám ngụp lặn trong thế giới của cảm xúc để thấu hiểu những nhu cầu rất riêng tư và cơ bản của mình. Mặt khác, họ không có đủ dũng khí để dấn thân vào hành trình khám phá chính mình (self-exploration), dần dà không biết phải thể hiện con người chân thực của mình như thế nào, mà đó chỉ là một bản thể được tạo từ những suy luận của họ về kỳ vọng của người khác. Ý thức về người khác của họ rất mạnh nên họ mặc nhiên cũng muốn chỉnh sửa bản thân theo ý muốn của người khác, từ đó liên kết với con người bên trong lại càng mù mịt. 

Ngoài ra, Thiên bình cũng cần cẩn thận với suy nghĩ chứng tỏ bản thân bằng công việc. Khi ấy, họ bắt buộc phải trau dồi chuyên môn của mình, thậm chí trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực mà họ chọn. Nhưng trên thực tế, họ rất dễ chọn trường và chọn ngành nghề dựa trên mong muốn của cha mẹ, để rồi ôm một cục mông lung, lạc lối trong sự rối rắm mất phương hướng từ lúc đào tạo để làm nghề đến lúc đi làm thật. Mà kể cả khi năng lực chuyên môn của họ rất giỏi, họ cũng cần chuẩn bị tâm lý trước cho việc phải cố gồng mình nơi công sở để giữ bộ mặt tươi cười chan hòa, dẫn đến sự suy sụp năng lượng và hao mòn về tinh thần, hoặc lâu dần sẽ bị đồng nghiệp cô lập vì cứ rủ đi teambuilding, company bonding hay chè chén sau giờ làm việc là tìm cách thoái thác, từ chối (ở đây chúng toi nói không với mọi loại kết nối, toi đã trải nghiệm và thấy quá là bất ổn, toi không có đủ tự tin). Họ còn cần học cách lắng nghe cơ thể để kịp thời nắm bắt tín hiệu ét o ét, bạn ơi bơn bớt cường độ làm việc lại, rồi thì cách từ chối thẳng thắn khi sếp thấy mình được việc lại còn ít nói nên được thể giao thêm. Thường thì, họ sẽ âm thầm làm việc mà không muốn gây phiền toái cho công ty và đồng nghiệp. Cũng có thể, họ "bị" cất nhắc lên vị trí team leader hay quản lý, từ đó lại phải đi xã giao với người khác nhiều hơn - trong khi thực tâm họ thấy ái ngại và không thoải mái với việc đó. 

Bên cạnh việc chủ động lên tiếng "cầu cứu" khi công việc bắt đầu quá tải hoặc từ chối nhận thêm đầu việc, vài giải pháp khác cho Thiên bình là học cách quản lý thời gian tốt hơn, không chỉ cắm đầu làm việc mà còn hòa mình vào những thú vui, sở thích, tiếp thêm cho họ năng lượng tinh thần để tiếp tục đối mặt và chống đỡ sự khắc nghiệt của cuộc sống. Đồng thời, nếu họ đã phát triển vài mối quan hệ lành mạnh (mà đa phần là bạn chung sở thích) thì hãy tiếp tục duy trì điều đó, gia cố chúng bằng những biểu hiện của gắn bó ổn định ví dụ lâu lâu đi ăn, đi chơi, hạn chế cao su giờ giấc, có mặt lúc đối phương cần hoặc ít nhất là hỏi han, san sẻ, ngược lại khi có chuyện khiến mình cảm thấy nhức nhối, bí bách thì cũng tìm người tâm sự. Việc chia sẻ tưởng chừng rất nhỏ nhặt nhưng thực ra cũng có thể củng cố sự tin tưởng giữa hai bên, vốn là nền tảng cho sự vững chắc của kết nối. 

Giải quyết vấn đề từ bên trong

Vừa rồi là những gợi ý để Thiên bình cũng như người mang kiểu gắn bó tránh né cải thiện tương tác với người khác, ở cả bối cảnh thường ngày và môi trường chuyên nghiệp. Tuy nhiên, còn có những công việc bên trong (inner work) mà họ buộc phải thực hiện. 

Mặt trời-Mặt trăng là những thể sáng (luminaries) hay nói cách khác, những đối tượng ban tặng sự sống (givers of life, nói chính xác hơn thì Mặt trăng chịu trách nhiệm phân phối ánh sáng nhận được từ mặt trời). Việc ánh sáng (light) bị gây sức ép, kìm kẹp từ Thổ tinh trong cấu trúc Thiên bình gợi ý chất lượng cuộc sống của họ có nguy cơ bị sụt giảm và tàn phá nghiêm trọng. Tránh né tìm hiểu con người thật cũng như thế giới nội tâm, buông bỏ bản thân chưa bao giờ là giải pháp. 

Trước khi đọc tiếp, hãy nhớ rằng bạn đến với cuộc đời không phải vì để làm hài lòng bất cứ ai hay đáp ứng kỳ vọng, đòi hỏi từ bất cứ đối tượng ngoại lai nào - bạn sinh ra bởi lẽ bạn *đã từng* chọn sự sống, bạn muốn trải nghiệm cuộc sống trên Trái đất (và bạn còn muốn sống vui, sống hạnh phúc nữa). Hãy trân trọng cuộc sống mà mình được ban tặng, đồng thời có trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Vấn đề đến từ tương tác Thổ tinh-Mặt trăng và Thổ tinh-Mặt trời thì hướng giải quyết cũng do hai liên kết này đề xuất, tức bạn cần học cách cải thiện quan hệ với Thổ tinh. Bạn cần hiểu đúng điều Thổ tinh đòi hỏi ở bạn, ấy là sự chính trực, nhất quán (integrity) - thành thật với bản thân, chăm chú lắng nghe lời mách bảo từ bên trong (inner voice) và có trách nhiệm với việc duy trì sự kết nối với tiếng nói ấy

Liên kết giữa Thổ tinh và hai thể sáng nên được hiểu là: bạn cần sống đúng nghĩa, thì mới có thể thực sự tận hưởng sự sống. 

Hãy kiên trì trong việc tìm hiểu và khám phá năng lực cảm xúc hay trữ lượng cảm xúc (emotional capacity) của mình, để có thể chịu trách nhiệm với cảm xúc của bản thân. Làm quen dần với các giới hạn hay khả năng chịu đựng của mình, sau đó tìm cách truyền tải nhu cầu cảm xúc cũng như khả năng tương tác về cảm xúc của mình với người khác, các ranh giới cá nhân mà bạn cần người khác biết (đặc biệt là những người trong mối quan hệ thân thiết + người mà mình muốn thiết lập và duy trì mối quan hệ). Gạt bỏ những kỳ vọng về người khác cũng như bản thân, không nên quá khắt khe mà cần học cách kiên nhẫn và bao dung với chính mình - bao gồm chấp nhận phiên bản đầy rẫy những bất toàn của mình ở hiện tại, vì khiếm khuyết là không thể tránh khỏi, đồng thời tin tưởng vào sự phát triển của bản thân trong tương lai, nỗ lực nhất định sẽ mang lại thành quả. Yêu thương bản thân đúng cách - tức thẳng thắn nhìn nhận những điểm chưa tốt ở mình, tìm cách cải thiện nếu có thể, cũng ko nản lòng khi mình chưa thể sửa đổi ngay, mình quá ù lì và chậm chạp, khen ngợi, tưởng thưởng mình trước những tiến bộ dù là nhỏ nhất. Xây dựng cho mình những thú vui lành mạnh, nghiêm túc đầu tư cho những thú vui ấy cả về thời gian và công sức, vì chúng đem lại nguồn sức mạnh tinh thần, thứ giúp truyền thêm động lực và năng lượng để chúng ta tiếp tục chống chọi và thích nghi với ngoại cảnh. Lồng ghép những thói quen lành mạnh vào cuộc sống hàng ngày, sinh hoạt điều độ, sử dụng thời gian hợp lý - mà cách duy nhất là bạn dùng thời gian vào những việc thực sự thiết thực và có ý nghĩa với mình. 

Chúc các bạn thành công trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống.

Comments

Popular posts from this blog

Hướng dẫn luận lá số cá nhân

Hướng dẫn luận lá số Solar Return (Mặt trời hồi vị)